Chiến dịch lần thứ tư (1769) Chiến_tranh_Thanh-Miến

Giữa hai chiến dịch (1768-1769)

Hoàng đế Càn Long phái Minh Thụy và quân Bát kỳ đi, tính rằng chiến thắng dễ như trở bàn tay. Nhà Thanh bắt đầu lên kế hoạch cai trị vùng đất mới được sáp nhập. Trong vòng vài tuần, triều đình không nhận được tin tức chiến trường, và rồi tin dữ cũng bay về. Hoàng đế choáng váng, hạ lệnh ngưng tất cả các hoạt động quân sự cho tới khi ông có thể quyết định được bước đi tiếp theo. Các tướng lĩnh trở về từ chiến trường khuyên can hoàng đế rằng Miến Điện không thể chinh phục được. Tuy nhiên, nhà Thanh không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chiến tranh, vì thể diện quốc gia.[40]

Càn Long quay sang một trong những quân sư tin cẩn nhất của mình Phó Hằng, chú của Minh Thụy. Trong những năm 1750, Phó Hằng là một trong số ít quan lại ủng hộ Càn Long đánh dẹp quân nổi dậy Dzungar, tại thời điểm mà đa phần mọi người đều cho rằng chiến tranh rất bất trắc. Ngày 14 tháng 4 năm 1768, triều đình thông báo Minh Thụy tử trận, và bổ nhiệm Phó Hằng làm tổng chỉ huy mới cho chiến dịch Miến Điện. Các tướng lĩnh Mãn Thanh là Agui, Aligun và Suhede được cử làm phó tướng. Cả một nhóm tướng lĩnh hàng đầu của nhà Thanh sửa soạn cho cuộc quyết chiến với Miến Điện.[40]

Trước khi chiến sự tái diễn, phía Trung Hoa cho người dò hỏi khả năng hòa bình với triều đình Ava. Phía Miến Điện cũng đánh tin họ muốn có cơ hội thương thuyết, vì họ vẫn còn vướng chân tại Xiêm. Tuy nhiên Càn Long, được Phó Hằng khích, cương quyết cho rằng không thể hòa hoãn với Miến Điện, không thể để mất thể diện quốc gia. Mục tiêu của Càn Long là thiết lập ách cai trị của nhà Thanh lên toàn Miến Điện. Các phái đoàn cũng được cử sang Xiêm và Lào để thông báo cho họ biết ý định của phía Trung Hoa, và tìm kiếm đồng minh.[40]

Ava giờ phải chuẩn bị cho một cuộc xâm lăng toàn diện. Hsinbyushin cho gọi gần hết binh tướng từ Xiêm về nước để đương đầu với quân Thanh.[6] Lợi dụng quân Miến bận rộn đối phó với hiểm họa từ phía nhà Thanh, quân kháng chiến Xiêm tái chiếm Ayutthaya năm 1768, rồi tiếp tục tái chiếm tất cả các lãnh thổ trước đó mất vào tay người Miến trong các năm 1768 và 1769. Với người Miến, tất cả các thành quả mà họ phải khó nhọc mới giành được trong 3 năm trước đó (1765–1767) ở Xiêm tan thành bọt nước, mà họ không có cách nào cứu vãn được, vì bản thân họ phải chuẩn bị cho một cuộc chiến có tính chất sống còn.

Chiến thuyền Miến trên sông Irrawaddy

Kế hoạch tác chiến của quân Thanh

Phó Hằng tới Vân Nam tháng 4 năm 1769 để chỉ huy đạo quân gồm 60 ngàn binh lính. Ông nghiêm cứu các cuộc viễn chinh trước đó của nhà Minh và quân Mông Cổ để lên kế hoạch tác chiến, theo đó quân Thanh sẽ tiến đánh theo ba mũi, qua ngả Bhamo và sông Irrawaddy. Cánh quân thứ nhất sẽ tiến đánh trực diện vào Bhamo và Kaungton, tức sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên hai cánh quân còn lại lớn hơn sẽ bỏ qua Kaungton và tiến dọc sông, mỗi cánh trên một bờ sông, tiến về Ava. Hai cánh quân này sẽ được hỗ trợ bởi các thuyền chiến dùng thủy thủ từ hạm đội Triết Giang. Để không lặp lại sai lầm của Minh Thụy, ông cho bảo vệ tuyến tiếp tế và liên lạc của mình, cũng như cho tiến quân với tốc độ phù hợp. Ông không cho tiến quân xuyên rừng qua miền đồi núi xứ Shan để tránh bị quân du kích Miến phục kích cắt đường tiếp tế. Ông cũng mang theo một đội quân đông đảo thợ mộc để xây dựng đồn lũy và chiến thuyền dọc đường tiến quân.[6][40]

Kế hoạch tác chiến của quân Miến

Mục tiêu chính của quân Miến là chặn quân địch tại biên giới, ngăn cản quân Trung Hoa thọc sâu vào lãnh thổ của họ. Maha Thiha Thura là tổng chỉ huy, tiếp tục vai trò mà ông đã nắm trong nửa cuối chiến dịch trước. Vẫn như thường lệ, Balamindin chỉ huy đồn Kaungton. Tuần cuối tháng 9, ba đạo quân Miến được điều động đánh chặn ba cánh quân Thanh. Một đạo quân thứ tư được tổ chức với mục đích cắt đường tiếp tế của quân địch. Vua Hsinbyushin cũng tổ chức một hạm đội thủy quân để đánh chiến thuyền Thanh.[6] Quân Miến giờ còn gồm cả lính hỏa mai Pháp dưới quyền chỉ huy của Pierre de Milard, tổng trấn thành Tabe ở Miến Điện, vừa quay trở về từ chiến trường Xiêm. Dựa vào hướng di chuyển quân địch, phía Miến Điện biết được đường tiến công của đạo quân xâm lược. Maha Thiha Thura cho quân ngược sông bằng thuyền về Bhamo.[40]

Diễn biến

Khi quân Miến bắc tiến, Phó Hằng bất chấp lời khuyên của các tướng dưới quyền, quyết định không chờ tới hết mùa mưa. Đây là một hành động liều lĩnh có tính toán; ông muốn đánh nhanh trước khi quân Miến tới, đồng thời hy vọng "chướng khí sẽ không lan tràn khắp nơi."[40] Tháng 10 năm 1768, tới cuối mùa mưa, Phó Hằng mở màn chiến dịch xâm lược lớn nhất cho tới lúc đó. Cả ba đạo quân Trung Hoa đồng loạt đánh và hạ thành Bhamo. Tiếp đó họ nam tiến, xây dựng một tòa thành lớn gần làng Shwenyaungbin, cách thành Kaungton của quân Miến 12 dặm về phía đông. Theo kế hoạch, thợ mộc Trung Hoa đóng hàng trăm thuyền chiến để đi xuôi dòng Irrawaddy.[6]

Tuy nhiên không có kế hoạch nào thực hiện được như dự định. Một đạo quân vượt qua bờ tây sông Irrawaddy như kế hoạch, tuy nhiên chỉ huy đạo quân này không muốn tiến quá xa khỏi căn cứ của mình. Khi quân Miến bên bờ tây áp sát, quân Thanh rút về bờ đông. Tương tự như vậy, đạo quân được chỉ định tiến theo bờ đông cũng không dịch chuyển, khiến cho thủy quân Thanh bị hở sườn. Hạm đội Miến Điện ngược dòng tấn công và đánh chìm tất cả chiến thuyền Thanh. Các đạo quân Thanh giờ hợp sức đánh thành Kaungton. Nhưng sau bốn tuần liên tiếp, quân Miến Điện chống cự dũng mãnh phi thường, đánh lui hết đợt xung phong này đến đợt xung phong khác của quân Bát kỳ dũng cảm tràn lên mặt thành.[6]

Chỉ hơn một tháng sau khi bắt đầu chiến dịch, toàn bộ quân Thanh đã bị sa lầy. Dễ đoán được là rất nhiều binh lính và thủy thủ Trung Hoa bắt đầu đổ bệnh, và bắt đầu chết hàng loạt. Bản thân Phó Hằng cũng ngã bệnh.[40] Bi đát hơn, cánh quân Miến được lệnh cắt đường tiếp tế cũng hoàn thành nhiệm vụ, và áp lại từ phía sau quân Thanh. Tới đầu tháng 12, toàn bộ đạo quân Thanh đã bị vây kín. Quân Miến tiếp đó đánh thành Shwenyaungbin, thành này thất thủ sau một trận ác chiến. Tàn quân Thanh từ đây bỏ chạy về hướng Kaungton nơi quân Thanh đang đóng. Quân Thanh bị khóa chặt trong hành lang Shwenyaungbin và Kaungton, bị quân Miến vây kín vòng trong vòng ngoài.[6]

Đình chiến

Tập tin:Qing General Fu Heng.jpgThượng thư bộ binh Phó Hằng

Bộ chỉ huy quân Thanh, sau khi đã mất 20.000 quân và một số hỏa khí, giờ muốn nghị hòa. Các tướng lĩnh Miến không muốn nhân nhượng, cho rằng quân Thanh đã bị vây như thú trong chuồng, chết đói chết khát, và chỉ cần vài ngày nữa sẽ bị tiêu diệt đến kẻ cuối cùng. Nhưng Maha Thiha Thura, người chỉ huy trận Maymyo năm 1768 tiêu diệt đạo quân Thanh của tướng Minh Thụy, nhận thấy rằng việc tận diệt một đạo quân Thanh nữa sẽ chỉ làm triều đình nhà Thanh thêm quyết tâm phục hận.[39]

Maha Thiha Thura nói:[41]

Các binh tướng, nếu chúng ta không cho giảng hòa, chúng sẽ tiếp tục tiến hành một cuộc xâm lược nữa. Và một khi chúng ta đánh bại đạo quân đó, chúng sẽ gửi một đạo quân nữa. Nước ta không thể cứ đánh hết đạo quân Trung Hoa này đến đạo quân Trung Hoa khác, vì ta còn nhiều việc khác phải làm. Hãy ngưng cuộc tàn sát, và để dân họ và dân ta được sống trong thái bình.

Ông chỉ ra cho các tướng rằng chiến tranh với Trung Hoa đã trở thành một cái ung nhọt mà cuối cùng sẽ làm tiêu tan đất nước. So với thiệt hại của quân Thanh, tổn thất của quân Miến ít hơn nhiều, nhưng so với tỷ trọng dân số, đây là một mất mát to lớn. Các tướng không phục, nhưng Maha Thiha Thura, dùng quyền của mình, và không thông báo với nhà vua, đòi phía Thanh phải chất nhận các điều khoản:[41]

  1. Quân Thanh phải trao lại tất cả các sawbwas (chúa mường), những kẻ phản loạn, những kẻ lẩn tránh pháp luật Miến Điện và bỏ trốn vào lãnh thổ nhà Thanh;
  2. Nhà Thanh phải công nhận chủ quyền của Miến Điện trên các tiểu quốc Shan vốn thuộc Miến Điện;
  3. Tất cả tù binh chiến tranh phải được phóng thích;
  4. Hoàng đế Trung Hoa và nhà vua Miến Điện duy trì quan hệ hữu hảo, thường xuyên trao đổi sứ thần mang quốc thư hữu nghị và tặng phẩm.

Phía Thanh chấp nhận các điều khoản. Tại Kaungton, ngày 13 tháng 12 năm 1769[31] (hoặc 22 tháng 12 năm 1769),[40] dưới một ngôi chùa 7 tháp, 14 tướng Miến và 13 tướng Thanh ký hòa ước. Quân Thanh đốt bỏ chiến thuyền và nấu chảy hỏa pháo. Hai ngày sau, quân Miến xếp hàng, bồng vũ khí nhìn theo đoàn quân Thanh đói khát rời trại, ủ rũ rời đi dọc theo thung lũng Taiping; quân Thanh bắt đầu chết đến hàng ngàn người vì đói khát trên các ngả đường rút quân.[31][39]